Giỏ hàng

NGUYÊN TẮC XÂY DỰNG THỰC ĐƠN CHO TRẺ BIẾNG ĂN

Trẻ biếng ăn là tình trạng thường gặp và khiến nhiều cha mẹ lo lắng. Vậy trẻ biếng ăn ăn gì, xây dựng thực đơn cho trẻ biếng ăn như thế nào để trẻ ăn ngon hơn mà vẫn đảm bảo dinh dưỡng.

1. Trẻ biếng ăn là gì?

Trẻ biếng ăn là tình trạng trẻ không hoặc ít có cảm giác thèm ăn, ăn ít và ăn lâu (thời gian mỗi bữa ăn có thể kéo dài trên 30 phút), trẻ chỉ ăn một số loại thực phẩm nhất định, hoặc có thể không ăn, thậm chí sợ khi nhìn thấy thức ăn.

Trẻ bị biếng ăn trong thời gian dài có thể dẫn đến suy dinh dưỡng, chậm phát triển về mặt trí tuệ, còi xương, ...

2. Trẻ biếng ăn do đâu?

 

Có nhiều nguyên nhân gây ra khiến trẻ biếng ăn, đó có thể là do:

  • Do chế độ ăn uống và dinh dưỡng: Cho trẻ ăn dặm quá sớm, ép trẻ ăn quá nhiều hoặc giờ ăn gần nhau, thay đổi thức ăn của trẻ đột ngột, khẩu phần ăn không cân đối, thừa đạm và chất béo, thiếu chất xơ và vi chất dinh dưỡng, thức ăn nghèo nàn, không hợp khẩu vị của trẻ, chế biến đơn điệu.
  • Do tâm lý: Biếng ăn tâm lý do trẻ bị dọa nạt, quát mắng, ép ăn hoặc nuông chiều trong bữa ăn, cho trẻ vừa ăn vừa chơi, cha mẹ và gia đình không hoặc ít quan tâm, chăm sóc đến bữa ăn của trẻ, trẻ chưa thích nghi, ngại thay đổi môi trường ăn uống (thời gian, nơi ăn, ...).
  • Do bệnh lý: Một số bệnh lý mắc phải có thể khiến trẻ biếng ăn như bệnh về tiêu hóa, răng miệng (sâu răng, viêm loét miệng, viêm dạ dày, viêm ruột, ...), các bệnh nhiễm khuẩn cấp tính và mãn tính (viêm phổi, lao, giun sán, ....) hoặc trẻ đang dùng thuốc kháng sinh điều trị.

3. Nguyên tắc xây dựng thực đơn cho trẻ biếng ăn

Thực đơn cho trẻ biếng ăn cần được xây dựng dựa trên những nguyên tắc sau:

  • Mỗi bữa ăn phải đảm bảo 4 nhóm thực phẩm chính là: Bột (gạo, khoai mì, khoai sắn, ngô), đạm (các loại thịt như heo, bò, gà; các loại hải sản như cá, tôm cua; trứng, sữa và các chế phẩm từ sữa, ngũ cốc), chất béo (mỡ động vật, dầu ăn có nguồn gốc thực vật như lạc, vừng), chất xơ và vitamin (rau xanh, các loại củ, trái cây chín).
  • Tỷ lệ mỗi nhóm thực phẩm trong khẩu phần hợp lý: Trong mỗi bữa ăn cần cân đối tỷ lệ giữa các nhóm thực phẩm, đảm bảo các nhóm chất đạm và chất béo có nguồn gốc cả từ động vật và thực vật.
  • Đảm bảo nhu cầu năng lượng cho trẻ: Trẻ biếng ăn trong thời gian dài sẽ dễ bị suy dinh dưỡng, chậm phát triển, còi xương, do đó các bữa ăn cần đảm bảo cung cấp đủ nhu cầu năng lượng tối thiểu trong 1 ngày cho trẻ. Nhu cầu năng lượng của trẻ từ 1 - 3 tuổi là 1200Kcal/ngày, trẻ từ 4 - 6 tuổi là 1500Kcal/ngày, trẻ từ 7 - 9 là 1850Kcal/ngày và trẻ từ 10 - 12 tuổi là 2000 - 2100 Kcal/ngày.
  • Thực đơn cần phải đa dạng, không lặp lại, thay đổi liên tục. Đa dạng các loại thực phẩm của mỗi nhóm trong từng bữa ăn, nhưng cần hạn chế các loại thực phẩm chế biến sẵn hoặc đóng gói.