Giỏ hàng

LƯỢNG ĂN CỦA TRẺ SƠ SINH

Mặc dù đã cho bé ăn đúng như hướng dẫn, nhưng liệu con mình đã no và đủ chưa vẫn là lo lắng phổ biến của những người làm cha mẹ. Lượng ăn của trẻ sơ sinh có thể khác nhau đôi chút ở mỗi bé, vậy bao nhiêu là phù hợp?

1. Trẻ sơ sinh ngủ nhiều hơn ăn

Trẻ sơ sinh thường không bú nhiều, thay vào đó là ngủ rất lâu và dài. Điều này khiến nhiều phụ huynh lo lắng bé sẽ bị đói hoặc có vấn đề bất thường. Thực tế, trẻ đang làm tốt hai công việc quan trọng nhất trong vài tuần đầu tiên khi bắt đầu cuộc đời. Tất cả những giấc ngủ và vài cữ bú xen kẽ đang giúp bé phát triển với tốc độ lớn của trẻ sơ sinh khá nhanh chóng.

Bạn có thể lo lắng và muốn bé bắt đầu bú càng sớm càng tốt. Nhưng cũng giống như mẹ, trẻ có thể mệt mỏi sau khi vừa trải qua cuộc “vượt cạn”. Trẻ sơ sinh rất buồn ngủ trong 24 giờ đầu là hiện tượng phổ biến và hoàn toàn bình thường. Ngày đầu tiên sau khi sinh có thể là thời gian để bé học cách bú và giữ tỉnh táo để bú. Không cần băn khoăn quá nhiều nếu em bé của bạn không dậy bú mỗi 2 giờ theo như lịch trình chung.

2. Lượng sữa cho trẻ sơ sinh

2.1. Sau sinh 24 giờ đầu

Trong 24 giờ đầu đời, trung bình trẻ sơ sinh bú sữa mẹ khoảng 8 lần và làm bẩn tã khoảng 3 lần. Bé sẽ bú rất ít trong ngày đầu tiên của cuộc đời (khoảng 15ml) và hầu như chỉ uống sữa non. Điều này là bình thường vì sữa mẹ cũng chỉ về nhiều khoảng 3 ngày sau sinh.

Hơn nữa, sữa non được ví như một loại “siêu thực phẩm” cô đặc, chứa đầy đủ calo và chất dinh dưỡng. Đó là lý do tại sao bé chỉ cần bú một lượng rất nhỏ trong vài ngày đầu tiên. Mẹ có thể yên tâm vì lúc này chất lượng sữa đóng vai trò quan trọng hơn số lượng.

Em bé sẽ tỉnh táo nhất vào 1 - 2 giờ sau sinh, vì vậy mẹ nên bắt đầu cho con bú càng sớm càng tốt. Nếu bỏ lỡ giai đoạn tích cực này, bé có thể chìm vào giấc ngủ lâu và muộn hơn, từ đó việc thực hành ngậm bầu vú mẹ lần đầu tiên cũng trở nên khó khăn hơn.

2.2. Trẻ sơ sinh dưới 2 tháng tuổi

Trong tháng đầu tiên, trẻ cần bú 8 - 12 lần mỗi ngày, cách nhau khoảng 2 - 3 giờ mỗi cữ. Tuy nhiên, một số trẻ bú sữa mẹ vẫn có thể bú tối đa 15 lần một ngày, mỗi lần cách nhau 1,5 giờ. Nếu trẻ sơ sinh không tự thức dậy để bú trong vài tuần đầu tiên, bạn nên đánh thức bé và cho bú đúng giờ.

Trẻ bú sữa mẹ sẽ dành khoảng 10 - 20 phút để mút sữa. Một số bé có thể mân mê bầu ngực của mẹ lâu hơn, bạn cần đảm bảo bé thực sự mút và nuốt sữa trong khoảng thời gian tối thiểu trên.

Lượng sữa cho trẻ sơ sinh lý tưởng là từ 45 - 88 ml (1.5 - 3 ounces) mỗi lần bú. Sau khoảng 1 tháng, lượng sữa cho trẻ sơ sinh ít nhất đạt 118ml mỗi cữ. Khi đã dần quen với việc bú sữa mẹ, bé cũng sẽ biết cách mút để nhận được nhiều sữa hơn từ bầu ngực. Do đó nhiều mẹ có thể không chú ý rằng con mình lúc này đã bú nhanh hơn trước, tuy nhiên vẫn đảm bảo đủ lượng sữa cho trẻ sơ sinh cần thiết.

2.3. Trẻ trên 2 tháng tuổi

  • Khi được 2 tháng, bé có thể tiêu thụ 118 - 148 ml sữa mỗi lần bú, cách nhau 3 - 4 giờ;
  • Lúc 4 tháng, lượng sữa cho trẻ sơ sinh có thể cần tới 177ml mỗi lần. Bạn có thể bắt đầu cho bé ăn dặm, hoặc chờ thêm vài tháng nữa nếu vẫn muốn nuôi con bằng sữa mẹ hoàn toàn;
  • Đến 6 tháng, một số bé có thể tiêu thụ tới 236ml sữa mẹ hoặc sữa công thức mỗi lần, thời gian giữa các cữ bú cũng giãn cách lâu hơn.

Cần lưu ý rằng lượng sữa cho trẻ sơ sinh chính xác sẽ thay đổi theo từng ngày. Chẳng hạn, bé sẽ muốn bú nhiều hơn bình thường khi đến giai đoạn tăng trưởng. Mẹ nên học cách nhận biết một số dấu hiệu để cho bé ăn với mức độ phù hợp.

2.4. Trẻ bú sữa công thức

Theo ước tính sơ bộ, trẻ nên bú khoảng 163ml cho mỗi kg cân nặng. Vì vậy, nếu trẻ nặng khoảng 4.5kg thì nên bú tổng cộng 739ml sữa mỗi ngày.

Sau vài ngày đầu tiên, trẻ sơ sinh bú sữa công thức sẽ uống khoảng 60 - 90 ml mỗi lần, cách nhau khoảng 3 - 4 giờ. Trong khi đó trẻ bú sữa mẹ thường ăn mỗi 2 - 3 giờ.

Khi được 1 tháng tuổi, bé nên ăn khoảng 118ml sữa cách mỗi 4 giờ. Nếu bạn nuôi con hoàn toàn bằng sữa mẹ, chỉ cần đơn giản cho bé bú theo nhu cầu, hoặc bất cứ khi bé đòi ăn.

3. Dấu hiệu lượng ăn của trẻ sơ sinh phù hợp

Khi lượng ăn của trẻ sơ sinh được cung cấp đầy đủ, bạn sẽ thấy một vài dấu hiệu bé đã no sau đây:

  • Bé đẩy bầu ngực của mẹ hoặc bình sữa ra xa;
  • Bé ngủ thiếp đi trong lúc đang bú;
  • Bé lắc đầu hoặc ngậm miệng lại, không muốn ăn thêm;
  • Thay tã nhiều hơn: Vài ngày đầu sau khi sinh, bé chỉ cần dùng 1 - 2 chiếc tã mỗi ngày. Sau đó, bé sẽ dùng đến 5 - 8 miếng tã mỗi 24 giờ, cộng với 2 - 5 đi tiêu mỗi ngày.
  • Tăng cân ổn định: 2 tuần đầu sau sinh cho đến tháng thứ 6, bé sẽ tăng khoảng 100 - 200 gram mỗi tuần. Từ tháng thứ 6 - 18, bé tăng khoảng 85 - 150 gram/tuần;
  • Bé rất năng động và vui vẻ: Một đứa trẻ được cho ăn uống đầy đủ sẽ trông rất lanh lợi và hiếu động. Bé cũng có vẻ hài lòng mỗi lần được cho bú xong.

Những dấu hiệu trên có thể giúp bạn biết rằng trẻ không bị nhồi nhét ăn quá nhiều hoặc quá kém ăn. Trong những lần kiểm tra định kỳ, bác sĩ nhi khoa sẽ cho bạn biết sự tăng trưởng về chiều cao và cân nặng của bé có đúng hướng hay không, từ đó đưa ra những lời khuyên thiết thực.

4. Dấu hiệu lượng ăn của trẻ sơ sinh không đủ

Những dấu hiệu bú không đủ, cảnh báo bạn nên chú ý điều chỉnh lượng ăn của trẻ sơ sinh hoặc cần hỏi ý kiến bác sĩ bao gồm:

  • Nước tiểu của bé sẫm màu hoặc có màu cam trong tã;
  • Bé chỉ muốn ngủ chứ không chịu bú;
  • Bé không chịu giữ lấy hoặc cấu kéo bầu ngực của mẹ;
  • Bé quấy khóc ngay sau khi được cho ăn;
  • Số lượng tã phải thay hàng ngày ít hơn bình thường.

     

Các tổ chức y tế trên thế giới đều khuyên bạn nên nuôi con bằng sữa mẹ theo nhu cầu của bé. Nói cách khác, bạn chỉ cần cho bé bú khi bé có biểu hiện đói, thay vì tuân thủ một lịch trình nghiêm ngặt. Sau đó mẹ có thể đưa trẻ đến phòng khám định kỳ để theo dõi chiều cao và cân nặng. Các bác sĩ sẽ đánh giá mức độ tăng trưởng và phát triển của bé, đồng thời đưa ra lời khuyên về thực đơn bữa ăn hàng ngày của trẻ sơ sinh dựa trên tình hình thực tế.